Ai đứng sau các vụ bạo động nhân danh công nhân chống Tàu?

Đặng Vũ Chấn - DienDanCTM

Cho đến nay chưa có bằng chứng nào đủ để có thể kết luận chính xác ai là thủ phạm chính trong việc biến các cuộc biểu tình ôn hoà chống Tàu Cộng xâm lược của công nhân Bình Dương, Hà Tĩnh thành những vụ bạo động, đốt phá, hôi của, thậm chí giết người nhắm vào các công nhân người Hoa và một số xí nghiệp có chủ Á Châu.

Có những dư luận xầm xì đổ qua đổ lại cho một trong bốn tác nhân chính trong diễn biến này:

1- Giới công nhân;
2- Những thành phần bị nhà nước CSVN gọi là thế lực thù địch với CSVN;
3- Đảng CSVN và nhà nước của họ;
4- Bắc kinh

Thử phân tích xem mỗi thành phần trên được gì, mất gì qua các vụ bạo động trên để xem ai thủ
lợi nhiều nhất thì thành phần đó có xác xuất cao nhất là thủ phạm.

Do thành phần công nhân gây ra?

Thoạt tiên về mặt biểu kiến, thành phần này là tác nhân tự nhiên nhất. Họ là người đứng ra xuống đường biểu tình, thể hiện tinh thần yêu nước tự nhiên của người Việt. Và khi đã xuống đường được rồi, trong lúc khí thế hừng hực, sự dồn nén chịu đựng bấy lâu dễ bùng phát thành cơn thịnh nộ không kiểm soát được. Công nhân cùng với nông dân là hai giai cấp đã bị/được đảng CSVN cho ăn bánh vẽ, hứa hẹn một thiên đường trong đó họ sẽ được làm chủ, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, khiến họ đã hết lòng đổ mồ hôi xương máu làm bàn đạp cho đảng CSVN cướp chính quyền. Ấy vậy mà ngày hôm nay dưới chế độ CS, họ là hai giai cấp thiệt thòi nhất, kẻ bị mất đất mất nhà, người bị chủ nhân ngoại quốc và tư bản đỏ bóc lột hà hiếp, thậm chí bị đánh đập, đi vệ sinh cá nhân cũng bị làm khó dễ.

Cho nên sự bùng nổ của những cơn cuồng nộ, nếu quả là thế, có thể hiểu được. Nhưng nếu đó là sự cuồng nộ mất tự chế, thường nó không chỉ dừng lại ở các xí nghiệp mà thôi mà nó sẽ nhân đó mà lan ra ngoài tạo ra những biến loạn xã hội để có cơ hội làm thay đổi cuộc sống cơ hàn của giới bần cùng, như thường thấy trong các biến loạn tại nhiều nơi trên thế giới. Ta đã không thấy một chỉ dấu nào cho thấy bạo động muốn lan ra các lãnh vực khác.

Hơn thế nữa, những nhân chứng tại hiện trường và ngay cả chính công an CSVN đều xác nhận những kẻ kích động bạo động đập phá không phải là công nhân mà là những kẻ từ nơi khác ở xa kéo đến. Trong khi đó, giới công nhân chỉ đứng nhìn, thậm chí có người còn can ngăn bạo động. Bởi vì người công nhân trên thực tế là người sẽ bị thiệt hại nhiều nhất khi bạo động phá nát các xí nghiệp. Dù tệ hại đến đâu thì các xí nghiệp đó vẫn là nơi sinh kế của họ trong thời buổi kinh tế vô cùng khó khăn hiện nay. Và hậu quả ngay trước mắt là các xí nghiệp liên hệ đã tạm đóng cửa vô hạn định khiến công nhân giờ đây phải nghỉ dài hạn không lương chẳng khác chi thất nghiêp. Cho nên lập luận bạo động là do sự cuồng nộ mất tự chế của công nhân là lập luận không thuyết phục được mấy ai.

Do thành phần thù nghịch với chế độ CSVN gây ra?

Từ phía nhà cầm quyền CSVN đã có những ý đồ đổ lỗi cho các "thế lực thù địch" muốn kích động bạo loạn để phá sự ổn định của chế độ. CSVN luôn tuyên truyền rằng các thế lực phản động thù địch luôn tìm đủ mọi cách để vận động biểu tình thật đông rồi gây bạo loạn vượt khỏi tầm kiểm soát của bộ máy công an bảo vệ chế độ, với hy vọng từ đó làm một cuộc cách mạng lật đổ chế độ. Sự tức giận của người dân trước sự xâm lược của Bắc Kinh là cơ hội để các thế lực thù địch này khai thác kích động nổi dậy.

Câu hỏi đặt ra là nếu quả như thế thì tại sao sự kích động bạo động lại chỉ xẩy ra tại các xí nghiệp với thành phần công nhân? Tại sao lại không làm chuyện dễ hơn, là kích động giới nông dân, đặc biệt là bà con dân oan, vốn thứ nhất đã mất hết nhà đất nên vô cùng uất hận, thứ hai đã từng có kinh nghiệm xuống đường đối đầu với công an không còn sợ hãi nữa, và thứ ba quan tâm của họ đã vượt sang lãnh vực dân chủ nhân quyền chứ không còn chỉ giới hạn trong quan tâm quyền lợi riêng của họ.

Ngoài ra nếu điểm mặt hết tất cả các thành phần đối kháng với chế độ từ trong ra ngoài nước, từ những nhóm xã hội dân sự cho đến các tổ chức chính trị, trong đó có Việt Tân, ta thấy không có ai cổ xuý việc đấu tranh bạo động cả, vì tất cả đều hiểu rõ dân Việt không muốn có bạo động chiến tranh giữa người Việt với nhau, và không thể lấy sở đoản của mình (không có công cụ bạo lực trong tay) mà đấu với sở trường của đối phương (một chế độ vốn đặt sự sinh tồn của mình trên cột trụ bạo lực chuyên nghiệp trấn áp là công an và quân đội).

Trong chủ trương đấu tranh bất bạo động có cổ xuý việc biểu tình thật đông đấy, nhưng đông không có nghĩa là bạo động vì sẽ tạo cơ hội cho bộ máy bạo lực của giới cầm quyền CS trấn áp tiêu diệt thẳng tay sớm. Cho nên những toan tính đổ lỗi cho các thành phần chống đối CSVN khó mà thuyết phục được ai, nhất là khi chính những thành phần này lại lên tiếng trước cả nhà nước và công an để phản đối các hành vi bạo động, kêu gọi bà con bình tĩnh biểu tình ôn hoà.

Do đảng CSVN gây ra?

Giới cầm quyền CSVN bị thiệt hại gì khi bạo động xẩy ra?

Thứ nhất, họ sẽ gặp khó khăn hơn khi giải quyết các vấn nạn kinh tế. Giới đầu tư quốc tế cảm thấy bất ổn trong không khí bạo động làm thiệt hại doanh nghiệp sản xuất, sẽ rút về hay giảm đầu tư, làm thất nghiệp gia tăng.

Thứ hai, trong một khoảng thời gian ngắn, nhà nước CSVN để lại ấn tượng họ đã mất kiểm soát tình hình, không chận nổi quần chúng bạo loạn.

Nhưng bên cạnh đó, họ được những gì?

Thứ nhất, gián tiếp biểu thị cho Tàu cộng sự phản kháng dữ dội của dân Việt đối với Tàu cộng, trong khi vẫn có thể chối với ông thầy Bắc Kinh của họ rằng: “Em không chủ trương chống mạnh như vậy”, và có lý cớ để xin Bắc Kinh nhẹ tay: “Thầy cần em dẹp loạn, em vẫn có thể làm tốt được, nhưng xin Thầy đừng làm khó thêm cho em, thầy làm quá, dân nó càng nổi loạn, càng khó kiểm soát”.

Thứ hai, cùng là CS nên Hà Nội biết rõ các đòn phép của Bắc Kinh. Họ phải chuẩn bị tình huống bị Thầy cho ăn đòn thật, phải chuẩn bị đường thủ. Cụ thể họ phải tính đường giảm bớt đạo quân thứ năm của Tàu Cộng mà họ đã trót dại để xâm nhập vào Việt Nam dưới vỏ bọc công nhân. Hà Nội cho bạo động đối với công nhân Tàu để áp lực công nhân Tàu rút bớt về nước. Kết quả như ta đang thấy, một số tàu thủy của Hoa Lục đang đón vài ngàn công nhân Tàu và gia đình họ hồi hương. Cảnh này nhắc nhiều người liên tưởng đến hiện tượng đuổi Hoa Kiều ra khỏi nước hồi cuối thập niên 70, ngay trước cuộc chiến tranh Biên Giới 1979.

Thứ ba, việc bạo động đó là cơ hội rất tốt để CSVN tuyên truyền, đổ hết tội cho các thế lực phản động, để chuẩn bị dư luận thuận lợi cho việc thẳng tay đàn áp. Ta đang thấy 1 youtube của Ban Tuyên Giáo, dư luận viên phổ biến trên mạng gọi những người biểu tình chống Tàu cộng mà không đem theo cờ đỏ hay đòi thả người yêu nước, là những kẻ nội phản muốn lợi dụng tình trạng dầu sôi lửa bỏng hiện nay để kích động bạo loạn lật đổ chính quyền, và đáng bị trừng trị. Cũng qua đó CSVN có thể hoá giải những lời kêu gọi đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, và dễ biện minh việc họ vẫn phải nắm vị thế độc quyền lãnh đạo nhân danh nhu cầu giữ ổn định bên trong để đối phó với bên ngoài. Họ cho chỉ thị tấn công vào cả các doanh nghiệp không phải của Hoa Lục cũng nhằm làm hình ảnh của kẻ kích động bạo động càng xấu hơn, tức những kẻ đã mất hẳn mọi lý cớ yêu nước chống xâm lược, mà chỉ còn là một đám phá hoại. Nếu bạo động chỉ giới hạn nhắm vào các doanh nghiệp từ Hoa Lục, thì khi thẳng tay đàn áp, CSVN sẽ dễ bị mang tiếng đứng về phía Tàu cộng xâm lược, hèn với giặc ác với dân, khó mà có thể giành lấy ngọn cờ dân tộc trong trường hợp thầy Bắc Kinh thẳng tay trừng phạt đàn em Hà Nội.

Do Bắc Kinh gây ra?

Bắc Kinh được lợi gì?

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có thể bị thiệt hại nhiều qua vụ bạo động, đặc biệt nếu các hãng xưởng ngoại quốc đồng loạt kéo nhau ra khỏi Việt Nam. Điều này phù hợp với chính sách từ trước đến nay của Bắc Kinh là luôn ngầm phá hoại nền kinh tế Việt Nam bằng nhiều cách để giữ Việt Nam ở thế yếu, và nông dân ta thường là nạn nhân trực tiếp. Việt Nam hiện nay đang là nơi thu hút các doanh nghiệp quốc tế chuyển đầu tư vào từ Hoa Lục vì giá lao động rẻ hơn, nên Bắc Kinh chắc hẳn có nhu cầu tạo sự bất ổn trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, Bắc Kinh có thêm lý cớ để can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Đó là lý cớ bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người Tàu tại Việt Nam, theo cách của Putin đối với Crimea và Ukraina. Động thái đầu tiên là Bắc Kinh đem tàu thuyền vào Việt Nam để di tản một vài bộ phận trong khối nhiều ngàn công nhân Tàu trên khắp nước ta cho mục tiêu tuyên truyền cho bước kế tiếp.
Thứ ba, Bắc Kinh tạo hình ảnh trước thế giới dân Tàu là nạn nhân của người Việt Nam. Chính người Việt mới là những kẻ quá khích, bạo động, xâm phạm sinh mạng và quyền lợi doanh nghiệp Tàu trước, và luôn cả các doanh nghiệp nước khác, nên họ sẽ có lý do chính đáng để trừng phạt. Cái hại mà Bắc Kinh chấp nhận là vài doanh nghiệp gốc Hoa Lục bị đập phá, vài người dân Tàu bị thương vong do chính chỉ thị từ Bắc Kinh gây ra. Nhưng nếu nhìn loại chiến thuật quân sự "biển người" thí quân của Bắc Kinh xưa nay, thì sinh mạng vài người dân Tàu xấu số đối với lãnh đạo Trung Cộng là con số không.

Như trên, ta thấy CSVN và CS Tàu được lợi nhiều hơn hại trong vụ kích động bạo động vừa qua. Xác suất một trong hai thành phần này là thủ phạm đằng sau các bạo động rất cao. Đây là hai tác nhân có đủ điều kiện nhất để điều động những đoàn xe máy mang bảng số 36, tức đã di chuyển từ trước, từ Thanh Hoá xuống tận Bình Dương, để hành sự. Hai tác nhân này cũng đủ điều kiện nhất để ra lệnh cho các doanh nghiệp Tàu cho phép công nhân nghỉ một ngày ăn lương để đi biểu tình chống xâm lược Tàu; và ra lệnh cho công an, bình thường rất nhặm lẹ mạnh mẽ dẹp chặn bạo loạn, bỗng nhiên trở nên rất thụ động và chậm chạp để cho mấy đợt bạo động diễn ra. Sau đó chỉ vài ngày, công an lại trở lại bản chất vô cùng hữu hiệu trong việc ngăn chặn, bắt bớ những người biểu tình yêu nước ngày 18/5 vừa qua.

Vậy ai là thủ phạm? CSVN, CS Tàu trực tiếp, hay CS Tàu xử dụng tay sai cật ruột trong cung đình Bắc Bộ Phủ Hà Nội? Hy vọng với thời gian sẽ lộ ra nhiều chi tiết hơn. Nhưng một điều gần như chắc chắn là các thành phần bị chế độ gọi là nội phản, tức những người dân chống Tàu thực sự, sắp phải đối diện những đợt càn quét truy bức rất tận tình của đảng và nhà nước CSVN./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More